Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Bẫy chim



Bay chim
Minh họa: Châu Giang
TTCN - Năm nay 41 tuổi, tác giả của truyện ngắn này hiện đang là một người đẩy xe bán dép dạo ở các chợ thôn quê miệt An Giang - Đồng Tháp, dù anh đã là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang từ năm 1990 đến nay (văn - thơ).




Bác Năm khoát tay, Hân và Thủy vội im lặng nấp yên trong lùm cây nhìn mấy con cò trắng đứng nhàn tản trên bãi trống bên thửa ruộng. Giàn lưới được căng lên trong tư thế sẵn sàng, chỉ cần bác Năm giật mạnh sợi dây được nối dài từ hướng những con cò mồi đến chỗ nấp, bẫy sẽ úp lại. Trong đám cò mồi, Hân thấy tội nghiệp nhất là con cò bị may dính hai mi mắt để không còn trông thấy gì. Bác Năm giải thích rằng con cò ấy có nhiệm vụ tạo “cảnh bình yên”.
Ngay từ khi đàn cò vừa xuất hiện trên nền trời xa, bác Năm đã ném nhẹ viên đất vào con cò mù khiến nó giật mình cất cánh bay lên, nhưng vì chân đã bị cột vào sợi dây thun được nối dài hàng chục mét nên đường bay như bị tấm kính vô hình chặn lại. Bác Năm tiếp tục giật dây những con cò khác khiến chúng chấp chới đôi cánh như muốn bay lên. Vài con khác thỉnh thoảng dang cánh quạt quạt như gọi mời.
Hân hồi hộp theo dõi đàn cò trên cao đang bay đến gần và hạ thấp dần; sau khi lượn vài vòng quan sát, một vài con cò hạ cánh đáp xuống, đứng thẳng người ngó nghiêng nghe ngóng. Hân nín thở nhìn con cò đầu đàn dang đôi cánh dài làm động tác thư giãn, thế là cả bầy đáp xuống.
Trong lòng Hân đầy mâu thuẫn. Cô vừa muốn đàn cò lập tức bay đi để kịp thoát thân, vừa muốn chứng kiến cảnh bẫy sập để xem chúng sẽ bị bắt như thế nào. Chỉ cần Hân la to một tiếng, những con cò kia sẽ được cứu mạng. Tim cô đập mạnh, cảm giác như bị nghẹt thở, mắt mở to nhìn những con cò đứng trong khung lưới, chỉ một số thôi, còn số khác vẫn đứng rải rác ngoài vòng nguy hiểm. Ôi! Chỉ cách nhau vài bước chân mà sự sống và cái chết đã được an bài.
Dương Huy Hoàng viết Bẫy chim trong trại sáng tác văn học Tịnh Biên (tháng 10-2003). Vốn sống ở quê nhà gần Tràm Chim, Tam Nông - Đồng Tháp đã giúp anh có nhiều chi tiết đắt giá trong truyện, thế nhưng “con người bẫy được muôn thú và đôi khi rất nhẫn tâm - tôi đã thấy họ bắt và ăn thịt cả... sếu đầu đỏ - nhưng càng đau lòng hơn khi sẵn sàng bẫy chính đồng loại của mình” - đó là điều mà tác giả đã phát biểu về truyện ngắn này.
N.Đ.T.
Bẫy sập.
Đàn cò bay tứ tán. Những tiếng kêu hoảng loạn. Đám thoát được không bay đi ngay mà quần đảo hồi lâu, kêu thê thiết trên bầu trời.
Bác Năm thu lưới lại. Tất cả được 15 con, đủ để cả nhà bác sống được hai ngày. Bác chừa lại hai con để Thủy ở nhà nấu cháo đãi bạn, số còn lại bác bỏ vào chiếc lồng tre đèo phía sau xe đạp mang đi bán lẻ cho dân nhậu. Thủy nấu cháo cò ăn ngọt lừ. Con nhỏ coi vậy mà giỏi hơn Hân nhiều, riêng phần bếp núc thì Hân thua đứt. Một mình nó làm tất cả công việc nhà để hai thằng em trai rảnh rang đi học.
Nhìn thấy Hân ăn cháo ngon lành, Thủy vui lắm, nó líu lo:
- Hân biết không, những lúc buồn mình cũng theo cha đi bẫy chim cu, bẫy cúm núm. Cha mình có nhiều cách để bắt chim lắm, cúm núm và quốc thì bẫy bằng máy ghi âm có phát loa, chim cò thì dùng lưới hoặc giăng câu trời...
Hân ngạc nhiên:
- Sao gọi là giăng câu trời?
- Là giăng câu nhưng không phải giăng dưới nước mà giăng lơ lửng trên ngọn cỏ, chim ăn sẽ bị mắc câu hoặc bay lên vướng phải cũng bị mắc câu, bị bắt. Ở xóm mình mấy gã con trai còn đi săn đêm bằng chỉa hoặc bằng súng bắn chỉa, cũng bắt được mỗi buổi hàng chục con.
Hân háo hức:
- Bữa nào nghỉ học mình rủ Vũ cùng về, Thủy nói với bác Năm cho mình cùng đi xem bác bẫy cúm núm với!
Thủy cười khanh khách:
- Coi bẫy cò thì được chứ cúm núm thì chỉ bẫy vào ban đêm, hai người cùng núp chung bụi lùm cả đêm thì chỉ sợ cha mình không còn chú ý tới cúm núm mà chỉ lắng nghe tiếng động... trong bụi lùm thôi.
Hân cười đỏ mặt, đấm vào lưng bạn thùm thụp:
- Con quỉ! Tao đâu có biết cúm núm chỉ bẫy vào ban đêm.
Chợt nhớ đến Vũ, Hân thầm nghĩ cô có ở suốt đêm cạnh Vũ chắc cũng không có gì xảy ra, vì anh chàng nhát như thỏ! Ai đời quen nhau mấy năm trời, cùng chung lớp, chung nhà trọ (chỉ khác phòng) mà Vũ chỉ mới dám nắm tay Hân hồi tháng trước. Nếu như hôm đó Hân không vô ý để dao cứa đứt tay thì không biết đến bao giờ Vũ mới dám nắm tay Hân mà suýt xoa như chính mình bị đứt vậy.
Hai đứa thương nhau mấy năm trời mà chưa lần nào Vũ dám tỏ ra sỗ sàng. Tính anh ít nói, có khi cùng ngồi với nhau cả buổi trời mà chỉ im lặng. Hỏi thì trả lời hoặc chỉ nói chuyện nhát gừng không đâu vào đâu dù lúc đó không gian chỉ có hai người và bối cảnh thì “cả một trời thơ mộng”. Nhiều lúc Hân thèm được Vũ hôn và âu yếm như mọi người yêu thương nhau vẫn thường làm để biết được thế nào là hương vị tình yêu, nhưng Vũ hiền quá, hiền đến độ khờ khạo phát chán lên được.
Tuy vậy hai đứa cũng vạch ra kế hoạch cho tương lai. Chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa là cả hai cùng ra trường làm kỹ sư tin học. Có điều là trong khi chờ đợi lấy tấm bằng cử nhân, cả hai phải xoay xở sao cho có việc làm, kiếm được đồng lương ổn định rồi sẽ thành lập một công ty mang tên “Vũ Hân”. Nói là công ty cho oai, thật ra chỉ cần một tấm bảng hiệu, số điện thoại và tự quảng cáo công việc chính: chuyên lắp ráp, sửa chữa máy vi tính, cài đặt... tận nhà khách hàng. Công ty Vũ Hân sẽ lấy chữ tín làm đầu. Đó là một ước mơ Hân và Vũ có thể thực hiện.
+++
Đó là chuyện tháng trước, còn giờ đây trước mặt Hân chim nhiều khôn kể xiết. Chưa bao giờ Hân thấy được cảnh chim chóc quần tụ đông đảo như thế này, chỉ cần kiễng chân và với tay lên một chút là có thể bắt được những chú chim non ra ràng, muốn bao nhiêu cũng có. Hàng trăm chiếc tổ được đan xen bằng những nhánh trơ trụi, nằm vắt vẻo trên những chạc cây tràm thấp do mực nước lũ dâng cao.
Rừng tràm Trà Sư giống như hòn đảo lớn trụ trên biển nước. Chiếc vỏ lãi chở đoàn người tham quan được tắt máy bơi nhè nhẹ giữa hai hàng cây chạy dài trên đường băng chống lửa. Bơi nhè nhẹ thôi, để khỏi làm kinh động lũ chim non vì nếu giật mình chúng có thể “buông tay” rơi tòm xuống nước chết chìm. Vậy mà vỏ lãi bơi đến đâu chim cò từ hai bên bay túa lên đến đấy.
Ngồi cạnh Hân là anh trưởng trạm kiểm lâm có cái tên Rạng nhưng gương mặt đen xạm, phong trần, già hơn so với tuổi 49 của anh ta. Đích thân anh hướng dẫn đoàn tham quan vườn chim. Chiếc vỏ lãi vẫn trôi nhẹ theo mái dầm, phía sau thỉnh thoảng có vài xác cò chết nổi dập dềnh bên những thân tràm, có con chết toòng teng dài ngoằng như bị treo cổ, nhìn kỹ mới thấy xác nó được nối bởi sợi dây mảnh vướng vào nhánh tràm theo gió đung đưa.
Tiếng anh trưởng trạm kiểm lâm trầm trầm giải thích:
- Nó chết là do ăn phải lưỡi câu, nhưng cố vùng thoát được kéo luôn chiếc cần câu về tổ, về đến đây chiếc cần lại bị vướng vào cây không thể thoát được, đành chết đói. Có rất nhiều cò và cúm núm bị chết như vậy.
Hân nhìn lên lần nữa. Quả thật có một chiếc cần câu nhỏ bị vướng trên ấy. Cô rùng mình nhớ tới từ “câu trời” của Thủy.
Tiếng anh trưởng trạm vẫn đều đều:
- Có những con cò mẹ đi kiếm ăn bị người ta bắt mất, thế là bầy cò con ở nhà đành chết đói hoặc có khi cò mẹ bị đánh thuốc độc cũng ráng tha mồi về tổ, mồi đã bị đánh thuốc vậy là mẹ con “ôm” nhau chết chùm.
Rời khỏi “nhà bảo sanh” chim là khoảng trống rộng rãi như mặt hồ, chiếc vỏ lãi được giật máy tăng tốc để đến thăm những chiếc chòi gác cao như ngọn tháp mà từ trên ấy có thể quan sát bao quát cả một vùng mênh mông, dày đặc những cánh chim chao lượn.
Buổi chiều Hân và mọi người được chứng kiến cảnh chim khắp nơi tìm về tổ, cánh rừng Trà Sư giống như sân trường trong giờ ra chơi, từng đàn chim phía chân trời vừa về tụ hội. Bầu trời, những cánh chim, màu xanh cây lá ồn ả tiếng chim kêu và dáng núi xa xa tạo thành bức tranh hoành tráng của nơi đất lành chim đậu.
Đêm ấy đoàn nghỉ ở trạm. Nửa đêm mưa to sấm sét đùng đùng, đất dưới chân như rung lên mỗi khi sét đánh ở đâu đó. Hân không ngủ được, cô nhớ tới những con chim non không được mẹ bảo vệ; rồi chúng sẽ ra sao khi dông to gió lớn như thế này.
Buổi sáng Hân còn được thấy từng đàn chim bay đi các hướng kiếm ăn, từng đàn từng đàn bay như diễn tập. Hân băn khoăn tự hỏi trong những đàn chim ấy sẽ có bao nhiêu cánh chim một đi không trở lại? Nhà Thủy nghèo, cha Thủy chỉ biết sống bằng nghề bẫy chim để nuôi con ăn học. Còn bao nhiêu gia đình giống như nhà Thủy trong xã hội này? Làm sao bảo họ đừng săn bắt chim trời trong khi đó chính là miếng cơm manh áo? Quả là bài toán khó chưa có lời giải.
+ + +
Hân được đến nơi này cũng là sự tình cờ. Trong những ngày chạy vạy xin việc, Hân quen với người phụ trách một trung tâm giới thiệu việc làm, được anh ta mời đi theo đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh tham quan rừng tràm Trà Sư, vì anh ta còn là phóng viên của tờ tạp chí văn nghệ tỉnh. Hôm mời Hân đi, anh ta nói: “Em đẹp lại có trình độ, lo gì không có chỗ tốt để làm việc. Đi lần này tôi sẽ giới thiệu em với vài người bạn có uy tín, có chức quyền, biết đâu họ đang cần người như em”. Hân nghe anh ta nói mà nôn nao hi vọng.
Trở về nhà trọ, Hân đem lời của anh nhà báo nói lại với Vũ. Vũ không mừng mà có vẻ trầm ngâm. Hân hỏi hai ba lần Vũ mới nói:
- Hân đi tới ba ngày, anh lo lắm! Chú ấy nói vậy nhưng biết có tìm được việc không?
Hân giận dỗi:
- Thì cũng như đi du lịch vậy thôi, có người đài thọ khỏi tốn tiền còn lo nỗi gì? Không lẽ cứ ngồi nhìn nhau chờ công việc nó “bay” đến với mình?
Để Vũ yên tâm, Hân dắt Vũ đến gặp anh nhà báo kiêm “giám đốc trung tâm xúc tiến việc làm”. Trước mặt Vũ là người đàn ông trạc tuổi 45, trắng trẻo, mập mạp với nụ cười tươi tắn lịch lãm. Chuyện trò hồi lâu anh ta đưa Vũ tấm danh thiếp và nói:
- Khi nào muốn liên lạc với cô Hân, bạn cứ gọi theo số điện thoại di động này, tôi sẽ đưa máy cho Hân nói chuyện với bạn.
Vũ cảm thấy yên tâm phần nào khi đọc hết cả lô chức danh và công việc trên tấm danh thiếp, và thế là hôm sau Hân được đi theo đoàn. Hôm ấy Vũ làm Hân ngượng chín người. Khi cả đoàn tập trung chờ lên xe thì Vũ lại đạp xe đến, trước mặt bao nhiêu người Vũ móc từ trong túi ra đưa cho Hân nào là dầu cù là, thuốc cảm cúm nhức đầu, thuốc chống muỗi... làm mọi người không nín được cười. Anh giám đốc nói “đi chơi thôi mà, đâu phải vào rừng chiến đấu!”, vừa nói anh vừa vỗ vỗ tay trên vai Vũ.
Vũ quay về mà gương mặt đượm buồn.
Hân như vị khách, hay nói đúng hơn là như một bông hoa để bầu không khí trong đoàn có thêm sắc màu và hương thơm. Những tay viết lách trong đoàn hầu hết đã có tuổi, người trẻ nhất cũng không dưới bốn mươi. Họ đã nhẵn mặt nhau, đã từng tâng bốc và nói xấu nhau; có mặt Hân họ bỗng trở nên lịch thiệp hơn, ngôn ngữ bỗng trở nên “trí tuệ” hơn, họ tránh những đề tài có thể làm mất đi phong cách đạo mạo của người làm công tác văn hóa.
Với người ngoài đoàn, Hân được giới thiệu như là một cây viết mới bước vào nghề, là sự kế thừa đầy nhiệt huyết của lứa tuổi U-23... dù Hân chưa từng tham gia viết lách.
Giờ đây Hân nhớ Vũ. Đã hai ngày rồi mà Hân vẫn chưa liên lạc với Vũ. Trong rừng Trà Sư không có sóng điện thoại di động, nơi hai đứa trọ lại không mắc điện thoại vì vậy cho dù có mượn điện thoại bàn của trạm kiểm lâm Hân cũng không làm sao gọi cho Vũ được.
Thấy Hân có vẻ bồn chồn, anh nhà báo nói:
- Chỉ còn hôm nay nữa thôi mà! Bữa nay mạnh ai nấy đi tìm tư liệu, ai muốn đi đâu tùy thích. Tôi mới vừa liên lạc với thằng bạn đang làm giám đốc một công ty kinh doanh. Chiều nay nó sẽ cho xe đến đón. Công ty nó đang cần một thư ký riêng, lương khá hấp dẫn. Chiều nay em sẽ được gặp nó.
Hân vui lắm. Vậy là đã có hi vọng. Quả là một chuyến đi không uổng.
Hân không ngờ được họ đón tiếp long trọng đến vậy. Trời vừa chiều, đã có xe bốn chỗ đến rước hai người về thị trấn Tịnh Biên. Tiệc rượu đã được dọn sẵn trong căn phòng máy lạnh sực nức hương thơm. Quanh bàn đã có hai người đàn ông và hai cô gái ăn mặc lịch sự ngồi đợi sẵn. Sau những cái gật đầu và bắt tay, Hân được biết người trẻ tuổi đẹp trai với mái tóc bồng rất nghệ sĩ là giám đốc. Ba người còn lại là bạn và nhân viên của anh ta. Nhạc được mở lên khe khẽ và chai rượu đặt trên chiếc khay nhỏ được một nhân viên nhà hàng trịnh trọng đặt trên bàn và khui thật điệu nghệ.
Anh nhà báo nói nhỏ vào tai Hân: “Chai rượu đó gần cả triệu bạc đấy!”. Hân cố làm ra vẻ thản nhiên, kỳ thực trong lòng cô cảm thấy tiếc ơi là tiếc. Họ hoang phí thật. Với chai rượu ấy Hân có thể gửi tiền về nhà để ba má đóng học phí cho mấy đứa em... Món ăn được dọn lên cũng cầu kỳ như những tên gọi: chúng được chế biến từ vi cá, tôm hùm... Hân nhớ đến bữa cơm sinh viên của bao nhiêu năm trời mà mình phải chịu, bất giác cô bưng ly soda lạnh lên ực một hớp.
Rồi rượu cũng được rót ra từng ly pha vào soda cho từng người. Những câu chuyện lúc đầu còn chưa được mặn mà cho lắm, nhưng đến chai rượu thứ hai thì tất cả đã trở nên thân thiết tự bao giờ. Lúc đầu Hân chỉ nhấp nhẹ hương vị của ly rượu thơm thơm hương nhãn, ngòn ngọt cay cay rất dễ uống ấy với sự chừng mực ý tứ. Nhưng chính vì sự lịch thiệp và trân trọng của mọi người dành cho mình, Hân bạo dạn hơn lên một chút, uống nhiều hơn một chút, lời nói và nụ cười cũng thoải mái tự tin hơn.
Tiệc vui kéo dài trong tiếng cười, tiếng hát, tiếng những chiếc ly chạm nghe lanh canh. Hân có cảm giác cuộc sống thật vui tươi bởi cô dường như đã hòa nhập vào tầng lớp cao hơn. Cô đã được tham quan rừng cấm, nơi mà người dân bình thường không phải ai muốn vào cũng được; được dự bữa tiệc vui và tốn kém mà những sinh viên nghèo có nằm mơ cũng không thấy, và nhất là được nghe những lời khen tít cung mây: Hân đẹp, Hân dễ thương, khả ái, tài năng, trí tuệ... Chỉ với vài ngày đàng Hân thấy mình lớn và khôn ra nhiều.
Hân say. Vui mà say. Nhìn thấy tương lai đang rộng mở mà say. Mừng vì thấy mình quen được những người có vị thế trong xã hội mà say... Hân uống, uống cho đến lúc có người dìu trở về phòng nghỉ mà không biết là ai để mà cảm ơn. Rồi Hân mơ thấy mình đang bước lên từng bậc thang mà hai bên toàn hoa thơm cỏ lạ. Cô thấy mình mọc thêm đôi cánh và vỗ bay vút lên sảng khoái. Trong cơn mê dường như có ai đó đang lau mặt cho cô, chiếc khăn ấm di chuyển từ trên mặt xuống cổ rồi đi xuống ngực. Hân rướn người như nghẹt thở. Chiếc khăn ấm tiếp tục cọ sát dài theo thân thể. Đi xuống, đi xuống... Trong cơn mê Hân thấy mình biến thành cánh cò bị mắc lưới, vùng vẫy từng hồi rồi kêu lên tuyệt vọng:
- Vũ ơi!...
DƯƠNG HUY HOÀNG
Việt Báo (Theo_TuoiTre)