Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Tín

                                  
Truyện ngắn
Dương huy Hoàng

Đã hơn một giờ rồi mà ông già vẫn chưa thấy trở ra.Tiếng bìm bịp kêu nước lớn không còn làm tôi thích thú như lúc nảy. Lạy trời cho đừng có chuyện gì xảy ra, lạy trời ông ấy không phải là Việt cộng. Nếu ông ta mà là Việt cộng thì…Tôi không dám nghĩ tiếp. Gần hai mươi tuổi rồi mà còn nhẹ dạ cả tin như con nít, rủi có bề gì tù là cái chắc. Ôi,có lý nào…


Tôi lại cố hình dung ra ông già ấy: thân hình vừa phải, tuổi độ năm mươi với khuôn mặt phúc hậu, đặc biệt là đôi mắt lúc nào cũng như cười, nhìn người ta như thấu tim đen, tiếng nói trầm, khi nói nhỏ vẫn nghe ồ ề trong lồng ngực, điệu bộ nhanh nhẩu bước xuống xe như vừa đi vừa chạy, nôn nao gặp lại người thân. Từ đây băng qua đám ruộng dọc theo bờ mẫu đến rặng trâm bầu ấy ước chừng hơn nữa cây số, Sao họ lại chọn ở nơi đồng không mông quạnh như thế này? Lại là vùng khét tiếng Việt cộng. Nơi đây thường xảy ra những cuộc đụng độ giữa lính càn và du kích bên kia. Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã từng bắt được những thanh niên trốn quân dịch và đôi khi có cà Việt cộng nằm vùng. Địa hình này vốn phức tạp, đa phần là rừng tràm xen lẫn với trâm bầu, có vài ba chục mẩu đất do dân địa phương khai hoang từ đời trước, chỉ đến khi mùa lũ rút, cũng là mùa thu hoạch mới thấy xuất hiện vài chục người vào cắt lúa, hầu hết là đàn bà, ông lão, còn thanh niên trai tráng không dám vào đây vì sợ bị bắt lính. Ngay con đường mà tôi đang đậu xe đây cũng thỉnh thoảng bị Việt cộng gài mìn. Sâu trong đồng bưng, nơi lúc nảy ông già đi vào là vùng tự do oanh kích. Từ đây theo đường chim bay chỉ cách sài Gòn vài chục cây số, nên đường dù xấu và không an toàn vẫn có người đi vì là con đường nhanh nhất để đến hòn ngọc viễn đông.
Nhìn cảnh hoang vắng lúc này mới biết cái dại dột của mình là không tha thứ được. Chẳng trách có lần thằng bạn thân bảo tôi: “Toa” đa cảm nên dễ bị lợi dụng, không hợp với chất lính và nhất là công việc của “Toa” nếu bị tình cảm chi phối thì khó mà thăng tiến được. Tôi đã nghe và đã quên phứt lời nó nói. Có biết bao lời khuyên trong cuộc đời này, lời nào đúng, lời nào sai chỉ có thời gian mới khẳng định. Lạy Trời xin đừng đúng trong trường hợp này. Không biết giờ này ban chỉ huy chi khu có biết việc tôi đưa ông già “đi chợ” hay chưa? Sao lão còn chưa chịu ra ?, không lẽ…Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp.
Chuyện bắt đầu từ ba hôm trước, chi khu tiếp nhận hai người khách từ phân chi khu chuyển đến do trung đội địa phương quân đi càn bắt được. Đó là một ông già và một thanh niên. Ngay trưa đó,gã trai được đưa về tỉnh, tống vào quân trường gia nhập quân đội, còn ông già thì để lại điều tra xem tại sao có mặt ở vùng cấm. Ông già bị nhốt một đêm. Sáng bọn lính đem ông còng dưới gốc cây bã đậu nơi có đóng sẳn trụ sắt. Tôi cũng không chú ý đến, vì người già bị bắt vào đây là chuyện thường. Có nhiều lý do để bắt họ. Có khi chỉ để cảnh cáo không được vào vùng mất an ninh, nhằm để bảo vệ họ cũng có, ngăn chặn sự tiếp tay cho Việt cộng cũng có. Vài ba ngày là tha khi có người nhà hoặc người quen đến bảo lãnh. Đó cũng là dịp để anh em được chút quà cáp do người nhà họ đến biếu…Ông già được báo cáo là tình nghi nuôi dấu cán bộ Việt cộng, bởi khi lính phát hiện ông đang trốn trong lùm cây, xét trong người thấy lĩnh kĩnh thuốc men, bông băng đựng trong một túi nhỏ, trong áo còn có một tờ giấy nhỏ ghi nước đi của cờ tướng. Có thể đây là mật mã. Điều quan trọng là bọn lính còn phát hiện cách đó vài chục thước còn có hầm bí mật.
Một buổi chiều định mệnh.
Như thường lệ mỗi chiều chúng tôi cùng nhau đánh bóng chuyền trong sân đồn. Rủi thay,hôm ấy vì đập hụt trái bóng, mất đà tôi bị té. Cánh tay chống đở bị trật đau đến tê dại. Tôi ôm cánh tay đau ngồi xề dưới gốc cây nơi lão ngồi xuýt xoa. Lão nhìn tay tôi rồi nói:
- Nếu thiếu úy không nghi ngại “qua “ có thể làm cho nó hết đau.
Ma xui quĩ khiến như thế nào mà tôi lại đưa tay cho lão xem, thay vì gấp rút đi lên chợ cho thầy thuốc chữa trị.
Khi được mở còng, lão cầm cánh tay tôi ngắm nghía, rồi bất ngờ bằng một động tác mạnh bạo, dứt khoát, lão giật mạnh. Một tiếng “rụp” gọn khô, tôi đau thót người hét lên. Ông già buông tay cười lớn:
- - Xong rồi, chuyện nhỏ mà !
Tôi nhìn lại tay mình, dường như bớt đau thật, làm vài động tác, mọi chuyện có vẻ ổn. Lúc này tôi mới nhìn kỹ ông, không có vẻ gì là con nhà võ. Thông thường những người chuyên trị về gân cốt ít nhiều đều có võ nghệ. Tôi hỏi lão làm nghề này được bao lâu mà mát tay vậy? Lão cười:
- Nghề chính của tui là bắt rắn và trị rắn cắn, chữa trật gân trật xương là chuyện phụ.
- Rắn nào cắn khó trị nhất?
- Rắn nào cũng khó mà cũng dễ, quan trọng nhất là phải chữa trị kịp thời, xác định đúng loại rắn thì mới mong có hiệu quã ngay. Như hôm nọ có người đi làm cỏ bị rắn mái gầm cắn, cũng may chị ta kịp thời cuốc cho nó một cuốc đứt làm hai. Người đi làm cùng chị vội vã đến cho tui hay, đến nơi thì chị ta đã ngất xỉu, bên cạnh đó là khúc sau của con rắn để lại, nhờ vậy tui cho chị ta uống đúng thuốc đặc trị, hiệu quả tức thời.
- Rủi bị cắn mà không biết rắn gì thì sao?
- Thì phải dùng vài loại thuốc phối hợp bao vây. Hiệu quả tuy chậm hơn nhưng cần nhất là không được trể.
Tôi cảm thấy hứng thú, xoay qua ngồi cạnh lão, móc thuốc lá ra mời. Ráng chiều ửng đỏ sau cánh đồng trải rộng. Buổi chiều thật đẹp. Bao giờ cũng vậy, cảnh vật chiều tà luôn làm tôi xao động,
Tối hôm đó tôi mua cho lão một gói thuốc và cho mượn tấm poncho để lão đắp như một cách cảm ơn lão đã chữa cánh tay cho tôi.
Ngày thứ ba lão bị tạm giữ cũng là ngày chủ nhật . Sáng bọn lính dắt lão ra còng dưới gốc cây chỗ lão ngồi hôm qua chờ người nhà đến nói “ Phải quấy” . mạnh ai nấy đi, thằng nào trực thì ở lại doanh trại , trong số ở lại có tôi. Tôi hỏi lão có biết đánh cờ không mà trong người có bài giải thế cờ khi bị bắt. Lão gật đầu, thế là tôi mang bàn cờ ra ngồi với lão. Thật ngạc nhiên không ngờ lão đánh hay đến vậy. Cả quận này, người đánh cờ thắng tôi chỉ vài người. Tôi chắc như vậy vì quê tôi mỗi năm vào dịp tết thường có những cuộc thi đấu cờ, tổ chức ở chợ quận . sau nhiều vòng đấu loại , những người còn lại cuối cùng bao giờ cũng gặp nhau . Toàn những người quen của những năm trước hội ngộ , rất ít khi có thêm người mới, nếu có thì là người ở nơi khác đến . Đó là mẫu số chung cho tất cả những gì mang tính chuyên nghiệp. tôi không phải là tay cờ hạng nhất vùng này, nhưng muốn thắng tôi cũng không phải dễ . Thế mà lão đã thắng tôi ba ván liên tiếp. Toàn những ván cờ khiến tôi khâm phục khẩu phục. Càng đánh tôi càng nhận thấy mình kém xa lão. Dường như lão đã thấu hiểu hết mọi suy tính của tôi ít ra từ bảy tám nước trước khi đi , hoặc giả tôi đã bị lão dẫn dắt vào thế cờ mà lão sử dụng thuần thục mọi đường đi nước bước, để đến kết cục mà lão đã biết trước. Đấu đến ván thứ năm bằng sự cố gắng hết mình , tôi mới hòa được. Lão xin nghỉ vì mệt. Tôi cố nài lão đánh thêm bàn nữa , ít khi có dịp gặp gỡ một tay cờ ngoại hạng , cơ hội hiếm có … Thế nhưng lão cười rồi khoát thay bảo thôi. Tôi sai một đứa vào trong lấy vài hộp thịt heo ba lát , mua thêm mười chai lade con cọp, tôi muốn cùng lão nhậu lai rai. Không hiểu sao tôi thấy mình với lão thật gần gũi . Bia cườm cườm lão thong thả nói, mắt không nhìn vào tôi.
Đánh cờ là một thú vui tao nhã từ đời xưa còn truyền lại. Nhưng ngày nay mọi thú vui đều mang tính đỏ đen . phàm việc gì có hơn thua thì có đặt cược . Người đánh cờ rất dễ để lộ bản chất của mình . Quân tử đánh cờ trầm tĩnh , không lấy chuyện hơn thua làm trọng . Thắng bại mặt không đổi sắc , chín chắn trong nước đi, nhằm nước thua cũng không hối hận, chỉ lấy đó làm kinh nghiệm . Kẻ tiểu nhân khi chơi cờ thắng thì hênh hoang , thua thì giận dỗi , dễ phát ngôn lời lẽ không hay, đi rồi hồi lại, nói năng lật lọng, xem bàn cờ là nơi biểu lộ trí tuệ tài năng. Thực ra tài năng ý chí không phải ở đây mà ở nhiều lĩnh vực khác , trong đó đối nhân xử thế là hàng đầu. Không vì trò chơi mà có những lời lẽ xúc phạm nhau. Nói với chú em là qua cũng tự nói với chính mình vậy!
Thực ra những gì lão nói, cuộc chơi nào cũng gặp. Như đột nhiên bắt gặp hình ảnh của mình trong gương , giống như bị bắt quả tang. Tôi hội đủ những tật xấu mà lão vừa nói đến . Dường như đây không phải là một ông già nhà quê. Tôi hỏi sang chuyện khác :
- Tại sao người nhà của chú không ai đến bảo lãnh.
Mắt nhìn về hướng chân trời lão có vẻ suy tư :
- Có thể họ chưa hay biết .
- Báo cho họ bằng cách nào ?
Tôi có ý định thông báo đến người thân lão giúp đỡ lão.
- Gia đình tôi ở dưới U Minh, tôi lên đây cùng đứa cháu gái, chúng nó đi làm thuê, chống nó là phế binh, tụi nó vừa làm mướn , vừa nuôi vịt trong đồng, nhà là cái trại của chủ, luôn bận rộn cùng lũ vịt, mấy ngày nay không thấy tôi về chắc tụi nó lo…
- Hay là …. Ngày mai tôi chở ông đến nơi ấy để ảnh chị biết mà làm giấy bảo lãnh .
Ông già nhìn tôi rụt rè :
- Thiếu úy ….. Nói thiệt?
Tôi phì cười :
- Chớ ông tưởng tôi nói chơi sao ? Miễn ông đừng trốn . Nếu ông trốn coi như tôi nhìn lầm người , cái mạng của tôi sẽ đi thay ông. \
Lão nói đanh thép.
- Làm gì mà phải trốn ?
Không hiểu sao tôi thấy tin tưởng con người này .
5 giờ sáng tôi lấy xe jeep đi ngót mười mấy cây số con đường lỗ chỗ ổ gà này để đưa lão đến đây rồi chờ đợi mỏi mòn hơn một giờ đồng hồ mà chưa thấy lão trở ra. Hơn lúc nào hết tôi thấy mình đang làm chuyện mạo hiểm cho tiền đồ yên ổn của mình. Ôi, chỉ vì chút hàm ơn và một thoáng tri âm… Có lẽ lần này lại làm phiền đến trung tá trung đoàn trưởng Vương Ngọc Long – Anh Họ tôi .
Công việc tôi đang làm trong đơn vị là do anh họ tôi bố trí. Học xong khóa sĩ quan Thủ Đức , tôi được bốc ngay về đây làm việc tàn tàn. Từ lúc vào quân ngũ đến giờ, chưa phải đánh trận nào. Cha mẹ tôi sinh ra hai thằng con trai. Tôi là em. Còn nhớ năm tôi lên bảy , cha tôi nhận được tin buồn . Bác tôi cùng vợ con trên đường về dự đám giỗ ông tôi , họ quá giang xe GMC thì bị trúng mìn của Việt cộng , bỏ lại người con lớn đang học nội trú trên Buôn Mê Thuột vì đang học không về được nên sống sót. Ba tôi ra ngoài ấy chôn cất anh chị xong, rước đứa cháu mồ côi vào ở với gia đình .Lúc đầu, nỗi đau quá lớn làm anh ấy thờ thẫn như người mất hồn. Thời gian rồi cũng nguôi ngoai . Anh lao vào việc học , học như điên để tìm quên. Cha tôi là thầy giáo dạy tiểu học , mong mỏi con mình ham học như anh , thế nhưng ông ngày càng thất vọng khi càng lớn tôi và anh ruột của tôi chỉ mê chơi. Tôi gặp cờ tướng thì đánh đến quên ăn, còn anh Thông – anh ruột – lại thích ca hát. Ở đâu nổi đình đám thì y như rằng hai Thông có mặt. Cha tôi buồn rầu , có lẽ vì vậy anh Long được ông thương hơn con đẻ. Anh tôi nhiều lần ganh tị, có những lời lẽ không hay với anh Long. Có lúc xúc phạm đến phũ phàng. Anh họ tôi vẫn âm thầm chịu đựng. Khi buồn, anh ấy thường ra bờ sông vắng vẻ ngồi khóc một mình .Những lúc ấy, tôi hay ngồi cạnh anh.
Đậu tú tài loại ưu , anh họ tôi chọn trường võ bị Đà Lạt
Đời càng khổ càng có nhiều người liều mạng , nhất là trong thời buổi chiến tranh . Lẽ mất còn diễn ra trong chớp mắt thì chuyện tử sinh cũng lắm kẻ coi thường . những người lính từ mặt trận trở về mang theo nỗi sầu tuyệt vọng thường tìm đến rượu và gái, chớ có dây vào họ làm gì , rất có thể trong bàn nhậu kia, chỉ vì đôi lời cãi cọ ai đó có thể rút lựu đạn cho nổ tung cả bàn. Những chuyện đánh lộn giữa lính binh chủng này với lính binh chủng khác xảy ra như cơm bữa. Đôi khi lôi kéo cả tiểu đoàn với đủ loại vũ khí . Người dân sống ở hậu phương cứ nơm nớp như là ngồi tên lửa, lớp sợ chiến tranh, lớp sợ lính quậy .
Anh họ tôi vào trường Đà Lạt thì anh Thông cũng bỏ nhà đi đâu không rõ, năm sau bỗng trở về với bộ đồ biệt động rằn ri cùng với một người bạn. Thì ra anh bị bắt quân dịch khi đang đi bụi theo một đoàn hát. Gặp cha tôi, anh khóc. Những giọt nước mắt đàn ông nhìn lâu không chịu nổi. Cha tôi cố gượng mà mắt vẫn rấn rấn. gần đến ngày hết phép anh trở nên lầm lì ít nói. Một hôm anh cùng người bạn nhậu say rồi làm chuyện thấy ớn…
Có lẽ đã chuẩn bị trước nên khi say anh để nguyên quân phục trên người kê chân lên giữa hai thanh gỗ lớn, bạn của anh dùng chiếc chày vồ to ( sau khi lót mền lên ống quyển cho êm ) ra sức quật thật lực . Ống chân gãy gập mà không chảy máu . Xong việc người bạn đỡ anh ra xe honda chở ra phố kiếm một chiếc xe du lịch chạy cùng chiều lừa thế bá nhẹ vào, thế là hai người lăn kềnh ra ăn vạ . Tôi nghiệp chủ xe là một thương gia , không biết mô tê gì, ngỡ mình vừa gây ra tai nạn tày trời khiến người khác thành phế nhân, thành khẩn nhận lỗi. Anh Thông được chạy chữa và không biết bằng cách nào mà chính thương gia nọ chạy chọt cho anh được giải ngũ. Nếu bị phát hiện anh tôi sẽ bị ra tòa án binh vì tội hủy hoại thân thể. Cái liều của anh chỉ có cha con tôi biết, liều như vậy cũng có lợi.
Còn anh họ tôi liều theo kiểu khác.
Nuôi hận thù cả nhà bị chết, ra trường anh ấy tự nguyện đi lên mặt trận nóng bỏng để được đối diện với kẻ thù không đội trời chung. Trung úy, đại úy , rồi tá với nhiều chiến tích công không mệt mỏi. Nếu lần ấy một mảnh đạn pháo không phang trúng vào đùi thì không biết sẽ còn bao nhiêu người cộng sản chết dưới tay của Trung tá Vương Ngọc Long.
Trị xong vết thương anh được điều về làm tỉnh trưởng tỉnh K sau khi được thăng cấp. Có lần đại tá Long đáp trực thăng xuống chi khu chỉ để “ Thăm thằng em xem nó sống ra sao”.. Vô hình chung tôi trở thành nhân vật được người trong Chi khu kính nể nhờ uy danh của anh họ. Mọi lỗi lầm của tôi nếu không nghiêm trọng đều được xí xóa.
Còn lần này… tôi nhìn về hướng ấy một lần nữa trước khi quyết định có nên vào trong ấy kiếm ông lão hay không. Sẽ là vô ích nếu người ta cố tình trốn ,” tri nhân tri diện bất tri tâm”... đây sẽ là bài học lớn cho tôi đến suốt cuộc đời, trực giác nhìn người của tôi đã không còn đáng tin nữa, thật chán nản… Ồ! Hình như lão trở ra thì phải . Đúng rồi ! chính lão . Bên cạnh lão còn có một phụ nữ khác , chắc là cháu gái mà lão đã kể, trên tay cô ta xách vật gì đó giống như gà vịt. Tôi thở phào nhẹ nhỏm , lão ta đã giữ đúng lời hứa , cuộc đời này chưa thật tệ như tôi nghĩ . Nỗi mừng vui khiến tôi bắc hai tay làm loa gọi lớn về phía ấy, rồi vẫy vẫy tay như mừng người than đã lâu không gặp.
Chờ họ đến gần tôi trách :
- Sao lâu vậy bố già
Lão cười :
- Chú em thông cảm giùm qua, phải sắp xếp chuyện nhà làm chú em chờ đợi.
- Thôi được rồi, miễn là ông đừng giết tôi bằng cách đi luôn là tôi mừng rồi.
Tôi quay sang cô gái , còn quá trẻ so với lời kể của ông lão. Không có vẻ rụt rè, cô ta nhìn tôi cười nói .
- Em đã nghe cậu em kể về anh , trên đời này tìm được người tốt như anh thiệt không dễ, em cảm ơn anh !
Nếu không biết trước chắc tôi sẽ nghĩ là cô ta chưa có chồng. Xua tay làm như không có chuyện gì quan trọng, tôi căn dặn.
- Ngày mai cô đến đồn làm thủ tục bảo lãnh , nhớ mang theo giấy căn cước của hai người và giấy xác nhận của ấp hoặc xã, tôi sẽ nói giúp cho.
- Dạ , tất cả nhờ anh, nhân thể anh mang gà này về cho anh em trong ấy gọi là chút quà.
Vừa nói cô vừa đặt hai con gà vào xe rồi nhìn tôi cười thân thiện, nụ cười đẹp tuyệt.
- Chà , định hối lộ hả người đẹp.?
Mặt người phụ nữ thoáng ửng:
- Thiếu úy nói quá , chút này có đáng gì, khi nào rảnh mời thiếu úy đến chỗ em chơi . em sẽ bảo chồng em kiếm bắt một con rắn thiệt lớn để dành…
Tôi cướp lời :
- Cắn tôi chứ gì?
Cô ta cười ( lại cười )
- Đâu dám, để nấu cháo đãi thiếu úy.
- Vô đó việt cộng bắt tôi đem nấu cháo thì có .
- Người như anh ai mà nỡ đem nấu cháo.
Cả ba cười lên vui vẻ. Tôi đề máy, nói vói một câu :
- Phải chi cô chưa có chồng , dù có bị Việt Cộng nấu cháo tôi cũng phải vào nhà cô thưởng thức món rắn hổ ” .
Chiếc xe chồm lên , tôi còn kịp trông thấy nụ cười thẹn thùng của cô , nụ cười chỉ có những cô gái chưa chồng.
Vừa về đến chi khu , tôi nhận được lệnh vào gặp đại úy Chi khu phó. Giao ông già cho lính, tôi vào ngay phòng chỉ huy. Vừa thấy tôi đại úy nói ngay.
- Tiểu khu vừa gọi điện cho hay, căn cứ vào tin tình báo cung cấp người của ta bên trong báo về, khu vực này vừa bắt được một Bí thư huyện ủy của Cộng Sản, tả đúng hình dáng ông này trong lốt một người làm nghề bắt rắn. Có thể ngay trong ngày hôm nay , tiểu khu sẽ cho người xuống áp giải ông già này về trên để tụi chiêu hồi nhận mặt, nếu đúng , chúng ta đã lập được công.
Tôi bần thần, chuyện ông già làm nghề bắt rắn chỉ có mình tôi biết vậy mà… Tôi quyết định vào gặp lão để hỏi ra lẽ.
Nghe tiếng mở cửa phòng, lão ngước lên, nhìn thấy tôi có vẻ mặt nghiêm trọng, nụ cười trên môi lão chựng lại , nhìn tôi chờ đợi.
- Ông là Việt Cộng, lại còn là bí thư huyện ủy nữa, tụi Phòng Nhì vừa điện cho chúng tôi biết, tại sao ông gạt tôi?
Dường như ông lão giật mình, mặt thoáng sững sờ, yên lặng một hồi, rồi nói chậm rãi :
- Tôi không gạt chú em, chuyện tôi có là Việt cộng hay không điều đó không liên quan đến tình cảm của chúng ta. Thiếu úy chỉ cần biết rằng tôi là ông già làm nghề bắt rắn quen với nhau qua những bàn cờ, quý trọng nhau qua sự đồng cảm của suy nghĩ.
- Vậy chú nhìn nhận đúng là Việt Cộng ?
Lão trả lời một câu không ăn nhập vào đâu:
- Tôi không làm trái lương tâm.
Thú thật, qua mấy ngày tiếp xúc tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đang giao tiếp với cộng sản, đừng nói là Bí Thư Huyện Ủy, ngay đến việc chỉ quan hệ du kích thôi , tôi cũng không dám . Vậy là chúng tôi đang ở hai trận tuyến thật sự không phải là bàn cờ. Nghĩ đến việc không bao giờ có dịp đánh cờ cùng lão nữa tôi bỗng thấy buồn.
- Thôi thì thế nào cũng không liên quan đến tôi, có điều khi lên trên ấy ông đừng đá động đến việc tôi đưa ông đi gặp người nhà, điều đó sẽ làm liên lụy đến tôi. Thú thật tôi không nỡ nhìn ông bị tra tấn, nếu là Việt cộng, lên đó hãy khai thật để khỏi bị đòn, còn bây giờ cần gì cứ nói, có thể tôi sẽ giúp được ông.
Mắt lão ánh lên cảm động.
- Nếu được chú giúp một lần nữa tôi thật biết ơn –ngưng một chút, ông nói tiếp- Nhờ chú cho cháu tôi hay tình trạng của tôi như vậy để tụi nó tự lo liệu.
Tưởng tượng đến cái cảnh phải vào nơi hồi sáng thấy ớn ,định từ chối thì ông nói :
- Lần này không phải đi xa , chỉ việc ra chợ quận tìm đến tiệm thuốc bắc Y nói với người ở đó rằng thầy Tư nhắn “ Hốt thang thuốc cũ ” là được.
Tôi thấy mình đang đi sâu vào lửa, câu nhắn sặc mùi ám hiệu , nếu nhận lời thì rõ ràng tiếp tay Cộng Sản, thế nhưng nhìn lão thấy thương và tôi nghiệp, thôi cứ giúp lão lần cuối coi như xong nợ.
Sau khi hỏi kỹ tên hiệu thuốc tôi nói nhỏ với lão : Nếu có chuyện xảy ra ông không được khai tôi đó nghe!
Lão gật đầu.
Kể từ đó, tôi không còn gặp lại lão nữa, nhưng hậu quả lão để lại thì suốt đời tôi không quên.
Buổi chiều khi về đơn vị, lính gác cho tôi biết tiểu khu đã cho người xuống giải lão lên trên ấy, trước khi đi ông vẽ lại cho tôi lời giải của bàn cờ thế mà ông đã nghĩ ra. Đó là chút quà lưu niệm ông dành cho tôi .
Cũng ngay tối hôm ấy có điện khẩn từ Tiểu khu xuống cho biết : Chiếc xe Jeep cùng 5 người lính áp tải ông trên đường về Tiểu khu đã bị phục kích , 2 chết, 3 bị thương , tên Việt Cộng nằm vùng đã được giải thoát. Tôi nghe mà mồ hôi ướt áo. Hôm sau Nha An ninh cho người mời tôi lên thẩm vấn về mối quan hệ giữa tôi và tên Việt cộng đã trốn thoát ( có người trông thấy tôi chở lão ra vùng cấm ). Tôi phải lý giải việc này . Bản tường trình của tôi giấu nhẹm việc liên lạc với tiệm thuốc , vậy mà tôi vẫn bị giam chờ ra tòa án binh vì tội tình nghi tiếp tay Việt Cộng.
Một tháng sau, tôi được thả ra nhờ ông anh họ chạy chọt giùm ,nhưng phải bị kỷ luật đổi đi nơi khác . Việc ấy lại hóa hay, tôi được điều về làm trợ lý một kho tiếp liệu ở Long Bình , trực thuộc cục quân nhu nhờ ông anh gởi gắm .
Đó là giữa những năm 1971, trước năm mùa hè đỏ lửa , dù chiến sự ngày càng ác liệt cuộc đời tôi cứ bình thản cho đến ngày giải phóng . Cha tôi đã mất cách đó vài năm . Anh ruột đi đâu không rõ, để rồi sau đó tôi nhận được tin anh gia nhập đoàn quân giải phóng đi tiếp quản thị xã. Thời kỳ này, sinh viên, học sinh cùng quần chúng tham gia khá đông, qua thời gian sàng lọc, những người còn lại vẫn tiếp tục làm việc trong chính quyền đoàn thể, người ta gọi đó là cách mạng ba mươi. Anh hai Thông tham gia một thời gian rồi cũng bị đào thải . Anh họ tôi đã lên trực thăng trốn sang Mỹ trước cách mạng thành công mấy ngày . Còn tôi ở lại một trại tập trung chỉ dành cho sĩ quan cấp đại úy trở lên học lập cải tạo, dù tôi chỉ mang lon thiếu úy. Tôi được xếp vào loại nguy hiểm do có quan hệ mật thiết với tên đại tá ác ôn Vương Ngọc Long . Sự đời nghĩ cũng ngộ, vào đây tôi trờ thành bạn bè của nhiều sĩ quan cấp tá ngụy. Sau những buổi lao động trở về chúng tôi thường đấm bóp, giác hơi cho nhau. Hóa ra khi ở chung với cấp bậc cao tôi lại là người nhẹ tội nhất trong trại . Khi mọi người còn phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt , tôi gần như chỉ bị giam lỏng với những công việc mà tất cả trại viên ai cũng thèm muốn như đi làm cỏ, trồng cây, đôi khi còn cùng cán bộ đi chợ để làm công việc bốc vác . Những dịp như vậy tôi thường mua dùm họ những vật dụng sinh hoạt cần thiết như bàn chải đánh răng, trà, kẹo… Đổi lại có vật gì ngon họ cũng mời tôi ăn. Tôi trở thành người bạn của tất cả. Những người này ngày xưa có nằm mơ tôi cũng không giám nghĩ có lúc mình với họ sống bình đẳng như vậy. Người ta nói rằng ai cũng muốn bình đẳng với kẻ… trên mình. Sự phân biệt đẳng cấp cũng là nguyên nhân của mọi tai họa trên đời. Giờ đây họ thật tội nghiệp, dường như ai cũng có nỗi lo giống nhau, tâm lý sống được ngày nào hay ngày ấy, làm họ e dè ngay với những người từng là chiến hữu, biết đâu có kẻ muốn lập công .. Để khỏi phải suy nghĩ và cũng để đốt thời gian một số trở thành “ nghệ nhân” với những vật dụng tự họ làm ra như chiếc lược, chiếc kẹp bằng nhôm máy bay hoặc inox, trên đó khắc tên những người thân, họ làm với tất cả sự chăm chút tỉ mỉ của lòng kiên nhẫn.
Thấm thoát tôi vào đây cũng được 4 tháng . Một hôm như thường lệ, tôi xách chét cùng với vài người đi làm cỏ chung quanh trại. Buổi trưa ở đây trời nắng đổ lửa , không thua cái nắng ở quân trường , ai là lính mà không quen với cái nắng? Đồng cỏ bạt ngàn dễ chừng có đến hàng trăm cây số bán kính, có muốn trốn cũng không biết đi đâu được. Nhiều lúc nhìn đồng cỏ bao la, tôi tự hỏi đất trời rộng lớn vậy mà con người không thoát được vòng xoáy của chiến tranh, không tìm được mảnh đất bình yên như lòng mình mong muốn.
Mặt trời đã chênh choáng về phía sau lưng, bóng tôi chuồi về phía trước nặng trĩu. Bên cạnh bóng tôi bỗng có thêm chiếc bóng nữa từ từ trùm lên , tôi cứ vờ như không thấy , tay làm cỏ đều đều, đầu nghĩ chắc là một cán bộ nào đó đến kiểm tra xem tôi làm việc ra sao , có siêng năng không chứ gì?
- Vương tài Biển !
“ cái bóng ” đột nhiên gọi tên tôi. Như cái máy, tôi trả lời.

- Dạ có mặt - Đồng thời đứng lên xoay lại đối diện với người vừa gọi .
Ánh sáng ngược khiến tôi không nhận rõ khuôn mặt của ai. Người ấy vỗ mạnh vào vai tôi :
- A ha, đúng là chú mày rồi. Chà tuy có hơi đen nhưng càng mạnh khỏe chứ sao, qua tìm chú để cho chú gỡ mấy bàn cờ đây !
Tôi định thần nhìn kỹ , đúng rồi , đúng lão già chết tiệt đã làm tôi suýt chết đây rồi ! Bộ quần áo bộ đội làm ông trông khác hẳn. Tôi mừng quá hét lên :
- Chú chưa chết ?
- Ừ, chưa chết.
Lão nắm tay tôi dắt về phía có bóng mát, vừa đi lão vừa nói
- Qua tìm chú em đã lâu, cách đây nửa tháng, biết chú mày học tập ở đây , bây giờ mới gặp mặt được vì trong nửa tháng đó ta phải làm một số việc bây giờ mới xong, cũng là chuyện của chú em mày cả thôi.
Đang đi, ông bỗng dừng lại : “ Giờ con hãy nói với ta thật lòng nhé”- Đột nhiên lão đổi cách xưng hô, tôi nhìn lão chờ đợi.
- Trong suốt đời làm lính con có làm điều gì gây nợ máu với ai không?
Tôi nhìn lão, chầm chậm lắc đầu . Lão vẫn như mấy năm trước , tóc bạc nhiều hơn nhưng ánh mắt vẫn trẻ trung như ngày tôi mới gặp lần đầu. Lão nhìn tôi rồi nói:
- Ta cũng tin như vậy , một người có tấm lòng nhân hậu như con không thể gây điều ác được. ta cùng một đống chí nữa đã lo xong hồ sơ bảo lãnh con. Đồng chí ấy cũng đi với ta đến đây, chính cô ấy đã đốc thúc ta làm chuyện này càng sớm càng tốt.
Tôi buột miệng :
- Ai vậy ?
- Thì cái con nhỏ đóng vai cháu ta , chú mày đã từng gặp khi đưa ta về đó. Cô ấy cùng hoạt động chung với ta một tuyến. Còn con gái mà phải đóng vai có chồng cũng dễ bị lộ, cũng may nó nói nhờ con không để ý, nó nói còn nợ chú mày một bữa cháo rắn hổ đấy, lần này về đãi luôn
Tự nhiên tôi cảm thấy vui vui .
- Cô ấy bây giờ đang ở đâu?
- Đang nói chuyện với ban lãnh đạo trại về việc của chú mày.
Chúng tôi cùng đi về phía văn phòng . Lòng tôi nôn nao rộn rã niềm cảm khái, tôi sực nhớ đến một điều, khiến tôi ray rứt mấy năm nay đó là một câu tôi chưa kịp hỏi lão từ độ chia tay .
- Tại sao lần đó đưa về nhà chú không chịu trốn luôn?
Đang đi chầm chậm ông bỗng dừng lại nhìn vào mắt tôi :
- Vì chữ tín !


1990
(văn nghệ quân đội)

http://www.vuihoc.net/ui/Search.aspx?t=3&s=D%C6%B0%C6%A1ng+Huy+Ho%C3%A0ng