Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Chuyện bèo mây.

Truyện ngắn.     
Dương huy Hoàng

 Trong số những con vật được người ta tín ngưỡng thờ phụng có con Thiềm Thừ.
 Đó thường là tượng nhỏ bằng ngọc, tạc hình một con cóc chỉ có hai chân trước và một chân sau, miệng ngậm đồng tiền, tượng trưng cho tài lộc, được xem  là biểu tượng  thần tài mà nhiều người rất tin tưởng. Cóc ba chân  được đặt ở góc nhà một cách trân trọng chỉ hơi kém tỳ hưu, cũng  là vật trấn phong thủy và thu giữ tài lợi chỉ có ăn vào mà không thải ra.


 Còn đây là con mèo ba chân.
Người ta nói cọp ba chân rất tinh khôn và hung ác vì trong lòng nó  chứa đầy thù hận, còn con mèo  này thì lại rất hiền lành và…ngu, cho dù mèo và cọp là những con tương cận. Đó là một con mèo đang tuổi lớn. Không biết nó bị cụt  chân sau vì lý do gì , có lẽ do con người gây ra, vì cứ thoáng thấy bóng người là nó sợ hãi lũi mất . Tôi không hình dung được lý do gì khiến chân nó bị cụt . Với mèo hoang thì những hiểm nguy rình rập rất nhiều, có thể do bị bẫy kẹp , xe càn, hoặc chó cắn, thậm chí do...làm tình. Cái giống mèo khi đang lên đỉnh vu sơn thì rên rĩ nghe cứ rợn người . Nỗi khoái lạc không cần che dấu đó làm cho những người bị bệnh mất ngủ như tôi cực kỳ khó chịu. Thử hình dung đang nữa đêm nữa hôm mà tiếng rên gào lúc nhỏ lúc to, trầm bỗng, nhặt khoan  kéo dài  đến hàng giờ, nghe  như ma rên quỷ hờn. Tiếng rên ấy có khi vọng xuống từ máng xối mái nhà hay từ lùm cây bụi cỏ...Nóng tính như tôi thì vớ được cái gì cứ thẳng tay vụt về hướng ấy ,tiếng động lớn có thể cắt đứt cơn mê tình ái trong thoáng chốc, nhưng có khi cũng hoài công. Có lần người hàng xóm của tôi đã dùng một giàn thun tự chế, nhằm   vào bóng tối, theo hướng phát ra  âm thanh của cặp đôi đang run rẩy trước tình yêu đó mà nã. Kết quả là mấy bửa  sau tôi thấy  con mèo của ai đó  ngang qua sân với cái chân cà thọt.
 
      Mèo ngày ấy dù bị què vẫn còn đủ bốn chân, còn con mèo này, không biết cái gì đã tiện ngọt cẳng sau của nó. Cứ mỗi lần nhìn nó dùng chân cụt để gải gải khi bị ngứa nơi cổ trông thật tức cười và tội nghiệp. Cái chân ấy cứ quơ quơ vào không khí không đụng vào đâu , giống như để “quạt” thì đúng hơn, ấy vậy mà nó cứ thường xuyên quạt như thế. Chổ ngứa nơi cổ họng không  đụng đến lâu ngày thành nơi tụ hội an toàn và là nơi bất khả xâm phạm của lũ bọ chét. Chúng cứ tập trung vào  đó để  kiếm ăn, tạo thành ghẻ lỡ với đốm lông tả tơi dơ bẩn. Tôi rất muốn giúp nó diệt đám ký sinh và xức thuốc vào chổ ấy nhưng vô hiệu ,vì không làm sao tiếp cận được dù nó đã cùng chung hộ khẩu với tôi hơn ba tháng.
Chưa bao giờ tôi đến gần nó được, nói chi  rờ rẩm vuốt ve dù đó là con mèo xấu xí.
Tôi một mình ở đây-  dãy nhà liên kế  sáu mươi căn, đã xong phần thô và phần  ngoài mà tôi là thủ kho kiêm bảo vệ cho thầu thi công. Nói là kho cho oai chứ thực chất đồ đạc đã được di dời đi từ lâu chỉ còn lại căn nhà trống huơ với đống tôn, panen cũ nát và những chiếc thùng sơn còn dang dỡ trên nền đất  lổn nhổn cát gạch  đá gỗ. Khu vực này có đến sáu mươi căn nhà ba tầng giống nhau  như hệt. Người ta xây rồi để đó, giống như  xí phần để chờ thời, mấy năm nay chẳng thấy ai mua và hình như chủ đầu tư cũng không cần bán và tôi vẫn còn tồn tại. Chưa hết, Nghe nói chủ đầu tư này còn có cả trăm ngôi nhà khác ở lân cận còn đang bỏ trống cả chục năm nay. Hàng trăm  căn nhà lầu ba tầng bỏ không giữa đất địa thành phố tấc đất tấc vàng năm này qua tháng khác thật hoang phí. Không biết họ đầu cơ hay chỉ để rửa tiền. Sau này mới biết là do khủng hoảng bất động sản . Công việc của nhà thầu đã xong. Lẽ ra tôi cũng được điều đi nơi khác, nhưng  cho đến giờ này tôi vẫn ở đây vì dù sao có người ở vẫn hơn, bọn trộm sẽ không ngần ngại tháo dỡ tất cả những gì có thể bán được kể cả những cánh cửa sắt to đùng. Tôi giữ chúng và cũng  tự  bảo vệ tài sản của mình gồm nồi niêu soong chảo và những thứ thổ tả chỉ có thể đem bán ve chai. Mỗi tháng vẫn ăn lương, dù ít ỏi nhưng  sống được. Buồn nhưng nhàn, biết làm sao?…không va chạm với ai là cuộc sống mà tôi luôn ước mơ, nên cho dù thui thủi và túng thiếu, tôi vẫn thấy mình đang “ tri túc hà thời túc”  dù rất cô đơn.
  Nó vào đây lúc nào không rõ, tôi phát hiện khi thấy nó đang ngồi liếm láp cái cẳng chân sau rướm máu, cụt lên tới khuỷu . Cái thân hình gầy đét ấy lấm lét nhìn tôi, sợ sệt cà thọt vào hóc kẹt lộn xộn  những tấm tôn cũ nát  cao đến hơn hai mét,  chui sâu vào trong ấy, nơi có một không gian nhỏ từng là chổ chứa những bao vôi bột và là nơi lũ chuột  vẫn thường cắn nhau chí chóe .
 Chẳng có gì cho nó ăn, ngoài một ít cơm nguội và cá kho mặn như muối lồi vì kho đi kho lại năm bảy lần, tôi nhìn còn thấy ngán, vậy mà nó cũng rón rén mò tới ăn ngon lành.
Những tấm panen kê trên giàn giáo dựa vào tường cao ngang đầu người đủ dài để tôi vừa dùng làm bếp nấu ăn, vừa là bàn ăn và…giường ngủ. Lâu cũng dần quen,  khi tôi ngồi ăn  trên cao thì nó cũng cà thọt tới ngồi dưới đất để chực xương, tôi bước xuống thì nó biến. Khi tôi làm  việc gì  thì nó quanh quẩn gần đâu đó giống như để bảo vệ tôi khỏi bị bọn chuột phá phách.
Mỗi lần tôi đi đâu về thì từ trong đám tôn nó vừa kêu meo meo, vừa thọt thọt chạy ra mừng rở, nhưng đừng hòng lại gần nó được ,cứ đến gần là nó lũi vào đống tôn ngay. Con mèo khùng ấy không biết  nghĩ gì  mà mừng thì cứ mừng, sợ thì vẫn cứ sợ, dù đã chung sống  với tôi hơn ba tháng và ăn cơm của tôi hàng ngày.
Thôi kệ. Chí ít mèo ba chân cũng “trấn” được lũ chuột từng hoành hành ở đây, và tôi cũng đỡ cô đơn. Đồng bệnh tương lân. Nó bị thương bên ngoài, tôi bị thương trong lòng  cùng chọn nơi này để an dưỡng.

Tôi sống độc thân đã mười mấy năm kể từ khi vợ ẳm con về ngoại trốn nợ. Những mong có ngày đoàn tụ thế mà lần lữa đến hơn mười năm. Cho đến khi bà xã cho hay… đã có bầu với người nào đó thì chấm hết.
 Đi theo những công trình đã nhiều năm, tôi từng chứng kiến cảnh bèo mây tan hợp của thiên hạ. Những cặp vợ chồng từ quê dắt díu nhau lên thành phố kiếm sống rồi chia tay nhau vì nhiều lẽ  cũng có khi đã  chán chê rồi thì…quay trở lại, cùng tiếp tục sống chung nhau và  cùng nuôi con, nghĩa nhân mõng dánh là vậy mà vẫn có thể chung sống tới già. Đất địa sài gòn này đã chứng kiến biết bao  cảnh tan đàn sẻ nghé và không có chuyện gì là  không thể xảy ra. Thật lòng mà nói thì lỗi không hoàn toàn do người phụ nữ, ấy là tôi chỉ nói đại  như…chuyện của thằng em tôi vậy thôi, chứ thực ra mỗi nhà mỗi cảnh không ai giống ai.  Nói chung chuyện bèo mây tan hợp ở cái đất này không ngày nào là không có. Họ tan chưa hẳn do ghét nhau và họ “hợp” chưa hẳn là thương nhau. Giống như bên có đậu bên có đường hùn lại nấu chè, Sự cộng sinh như vầy đi đâu cũng gặp.
Tôi và con mèo này cũng thế! Chí ít thì tôi cũng cảm thấy đở cô đơn . Còn nó thì chắc cũng có cảm giác bình yên có nơi nương tựa.
Mỗi ngày nó đến gần tôi thêm một chút, tưởng chừng có thể với tay ra là chạm  được. Vậy mà không.
Đi đâu đó vài ngày, khi trở về, việc đầu tiên là tôi lia mắt tìm kiếm nó và khi đã thấy hắn cà thọt từ đống tôn ra mừng rở là tôi thở phào nhẹ nhõm. Có nghĩa là nó chưa bị ai đó bắt ăn thịt.
Nó là con mèo thứ tư đến ở đây,những con mèo trước thường nằm trong lòng cho tôi vuốt ve chăm sóc thậm chí còn ngủ chung nhưng rồi lần lượt biến mất, có lẽ do cái bọn bắt chó “ kiêm“ luôn. Hay do mấy trự phụ hồ đang nằm chờ việc, bắt làm mồi nhậu. Chuột cống mà mấy chả còn không tha nói chi là “ tiểu hổ”.
Tôi lượm mèo con từ những căn nhà hoang bên cạnh khi nghe chúng kêu khóc do bị mẹ bỏ, nuôi lớn đến khi chúng…biến. Mỗi lần như thế tôi hụt hẩng và buồn rầu chỉ mong sao cho nó đừng bị ăn thịt, gặp được người chủ tốt biết thương yêu…Gần bốn năm, ba con mèo cực kỳ dễ thương của tôi lần lượt biến mất. Chúng đến với tôi nhờ có nguồn nước uống mà những ngôi “nhà hoang”  kia không có . Con mèo này cũng vậy.
Một hôm, sau khi đi ăn sáng về, vừa mở cửa bước vào nhà tôi giật mình phát hiện dưới chân giường mình, một con rắn lục lớn đang  ưởn ẹo chết, đầu bị giập nát, cạnh đó là con mèo cụt đang dùng chân trước lau lau bộ ria, nhìn tôi kêu meo meo ra cái điều :“không nhờ tui thì anh “chít” với con rắn này rồi đó nhe!” Hú hồn. Nhìn ánh mắt nó tôi nhận ra sự thân thiện tràn đầy. Hy vọng nó sẽ không bỏ tôi mà đi mất như những con mèo trước.
 Nhưng giờ đây nó cũng không còn ở với tôi.
Là do tôi bỏ nó.
Tôi bị điều đi làm thủ kho ở công trình khác một cách đột ngột, chỉ kịp mang theo những thứ của mình. Nó không thuộc về tôi vì cho dù cố gắng cách mấy tôi cũng không thể đến gần nó được dù rất muốn mang nó theo.
Sau này, mỗi khi có dịp ngang qua nơi ấy tôi thường dừng lại nhìn dãy nhà vẫn không có gì thay đổi ngoài sự cũ kỹ, lia mắt kiếm tìm người bạn nhỏ  tật nguyền với chút hy vọng mong manh được gặp lại.
Sẽ không bao giờ tôi còn gặp lại nó nữa. Đời mà !


                                                                                                           Trại sáng tác Đại Lải ngày 29/5/2013