Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Giữ đất

Truyện ngắn
Dương huy Hoàng.

                                   
Hai Thất chậm chạp bật chiếc quẹt gaz định mồi thêm điếu thuốc nữa đã được gắn trên môi khá lâu nhưng rồi lại thôi. Nãy giờ ông hút quá nhiều. Cơn ho vừa qua như nhắc nhở ông những điều cấm kỵ vì chứng bệnh nhồi máu có thể gây ra đột quỵ bất kỳ lúc nào.
Ông đưa mắt nhìn miệng hang bị bịt chặt như đang khép lại quá khứ hào hùng bi tráng. Hào khí dường như vẫn còn phảng phất quanh đây. Mỗi viên đá từng thấm máu anh em bỗng như có hồn.
Không dưng sao nghe lòng chộn rộn kỷ niệm khi chạm vào từng phiến đá. Không dưng sao trong gió nghe như có tiếng thì thầm? Không dưng sao từng gương mặt đồng đội thẳm sâu trong ký ức cứ lần lượt hiện ra? Tuy cảnh vật không giống như ngày xưa, nhưng đó đây vẫn hiện diện những vồ đá, vách dựng, sừng sững uy nghi của những năm tháng hào hùng, không mảy may thay đổi trước bao thăng trầm xã hội, như một nhân chứng lịch sử minh chứng cho lời thề của bao người còn khắc sâu hơn đá “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.”


Lời cô gái lúc nãy vẫn còn làm ông suy tư đến bây giờ. Có lẽ đó cũng chỉ là một cách nói mà người ta vẫn thường gặp trong những cuộc phát biểu chốn đông người, nhưng đây chỉ là một nông dân chân chất thôi mà !...
Hai Thất đứng dựa lưng vào tảng đá lớn, từ từ ngồi bệt xuống, hai chân duỗi thẳng buông thả. Bao giờ ông cũng chọn nơi đây-dưới chân hòn đá này để thư giãn.
Tảng đá lớn kia cũng đã âm thầm nhận diện người chiến sĩ năm xưa đã đến đây năm lần chỉ để ngồi tựa vào mình mà ngẫm ngợi. Cả năm lần thăm lại núi rừng Ô Tà Sóc cũng chỉ leo lên được tới đây rồi lại thôi, không leo lên được đỉnh vồ, nơi mà ngày xưa ông từng nhảy lên nhảy xuống ngày hàng chục lần.
Cũng phải thôi. Đỉnh vồ cheo leo ấy giờ đây đã không còn thích hợp với người cao tuổi như ông.
Cũng có lúc ông cố tìm những hang hốc ngày xưa mà miệng hang giờ đây bị phủ lấp cây cỏ và các thứ dây leo. Nơi ngày xưa đã từng che chở cho ông và hàng chục trung đoàn từ miền Đông lần lượt ghé qua và ở lại , để từ đó chi viện cho khắp các chiến trường Tây Nam Bộ, những cảnh vật thay đổi nhiều quá, núi thì hiểm trở mà ông đã già…
Thì ngồi đây nói chuyện cùng hai Thép và Néang Lang cũng được chứ sao? Tảng đá hàng trăm tấn này đã làm bạn với hai đứa nó mấy chục năm nay và sẽ còn tiếp tục mãi đến sau này. Anh em đã lần lượt về nơi quy tập, chỉ hai đứa còn ở lại đây giữ gìn kỷ niệm.
Hai đứa ngày thường hay cãi nhau, khi chết lại cùng chung một chỗ.
Cô gái chủ trang trại lúc nãy cũng chỉ hơn Néang Lang ngày ấy chừng chục tuổi, vậy mà giỏi.
Néang Lang ngày xưa vừa tròn 19 tuổi, có làn da ngăm ngăm, mày rậm, mắt to và đôi mi cong vút cùng với mái tóc dài, hơi xoăn, thừa hưởng của mẹ vốn là người Campuchia. Cha người việt tập kết đã hy sinh trên đường Trường Sơn khi cô bé mới 6 tuổi. Sống với mẹ nên tiếng việt phát âm không chuẩn. Mỗi lần nói chuyện với hai Thép cứ kêu bằng… Thẹp, nên nó giận lắm. Một hôm có cuộc họp hai Thép đứng lên phát biểu, nó nói:
-Báo cáo các đồng chí lãnh đạo nghe! Tui tên là Thép mà đồng chí Lan cứ gọi là Thẹp, tui rất không đồng ý. Đề nghị đồng chí Lan không được gọi như vậy nữa, nếu không…Nếu không…
Nó lúng túng rồi làm thinh.
Có tiếng cười khúc khích phía bên dưới.
Rồi Néang Lang phát biểu bằng giọng mộc mạc của người Khơme chưa rành tiếng Việt nghe nặng trịch từng tiếng một:
-Dớ-báo-cáo-các-anh. Tui đâu có kêu ảnh bằng anh Thẹp mà tui kêu là anh hai Thẹp. Vậy mà ảnh nói tui kêu là anh Thẹp.
Nói tới nói lui Thép vẫn cứ là Thẹp làm tất cả cười sung sục muốn lộn ruột.
Tan họp, có đứa rỉ tai Hai Thất:
-Hay mình gọi nó là hai Thẹp luôn đi!
Rồi nó cười lên hưng hức.
Tiểu đội trưởng Hai Thất giả bộ trừng mắt. Thằng quỷ ấy le lưỡi chuồn mất
0o0
Cả núi rừng rung chuyển ầm ĩ. Đá bay, cây gãy, khói lửa trùng trùng. Những tiếng nổ kinh niên đã dập thẳng vào lồng ngực gây tức thở ngột ngạt. B.52 lại trải thảm căn cứ Ô Tà Sóc Tiểu đội cận vệ của Hai Thất đang trên đường vận chuyển thực phẩm và thuốc men gần đến cứ thì bị bom. Tội nghiệp Néang Lang còn kẹt lại ở đây. Dường như địch đã đánh hơi được cơ quan đầu não của ta nên chiến dịch tấn công núi Dài quy mô ngày càng lớn.
Tỉnh uỷ cũng đã có kế hoạch di dời đi nơi khác. Trước mắt là ngăn chặn những cuộc tấn công của bộ binh địch
Kẽ nứt dưới chân tảng đá lớn như một công sự thiên nhiên vừa đủ chỗ một người trú ẩn, đó là nơi an toàn nhất, tiểu đội dành hẳn cho Lan; còn tất cả đều tản ra tìm nơi ẩn nấp đâu đó để vừa có thể quan sát phía dưới, vừa có thể tránh bom.
Hai Thất thỉnh thoảng đưa mắt nhìn về nơi Lan ẩn náu, yên tâm khi nhìn thấy cô vẫn bình tĩnh không hốt hoảng. Những trận bom pháo hằng ngày như cơm bữa đã làm mọi người chai lỳ, thế nhưng lần này trong lòng Hai Thất vẫn thấy không yên. Một nỗi lo sợ mơ hồ làm anh rướn người qua khe núi nơi Néang Lan trú ẩn. Với Hai Thất chiến tranh không dành cho phụ nữ.
Néang Lan là mối liên lạc kết nối Tỉnh uỷ với quần chúng địa phương, hoạt động bán công khai trong lòng địch. Là người cung cấp tin tức và lương thực cho cơ quan. Hơn thế nữa còn là…Nàng thơ cho những người mơ mộng như Hai Thất. Ở những nơi như vầy, người phụ nữ nào cũng có thể trở thành giai nhân. Chỉ cần có chút nhan sắc trung bình cũng đủ làm giấc ngủ của bao thằng con trai coi thường sinh tử trở nên chập chờn lãng mạn. Tất cả chỉ dừng lại ở đó –trong sự tưởng tượng để âm ỉ thành nỗi khát khao khôn nguôi.
Trận bom kéo dài chỉ độ hơn 15 phút mà tưởng chừng lâu thật lâu. Núi Dài chuyển động rùng rùng như trong cơn động đất. Những tiếng nổ xa gần át đi tiếng kêu thét của Néang Lan . Chỉ khi Hai Thất nhận ra Néang Lan đang quằn quại trên đôi tay của hai Thép thì không còn kịp nữa. Thép đã kịp thời bỏ chỗ nấp khi phát hiện cô ấy bị thương, kịp thời nhào xuống xốc cô ấy dậy, để rồi…không kịp với trái đạn pháo rơi trúng vào ngay nơi ấy.
Ngớt bom.
Một cảnh hoang tàn chưa từng thấy. Cả vạt rừng xơ xác ngổn ngang. Cây tùng cao lớn có đến hàng trăm năm tuổi cũng bị gãy gập. Những đám cháy loang lỗ đó đây khắp vạt đồi tạo thành bức tranh lam nham thê thảm.
Nơi Néang Lan ẩn giờ thay bằng tảng đá lớn vừa sụp xuống. Hai đứa hy sinh trước khi khối đá đồ sộ kia nằm vào chỗ ấy.
Không tìm được gì ngoài những mảnh vụn dán trên vách đá, xương thịt hai người đã hoà lẫn vào nhau, tan biến. Trận chống càn ngay sau đó, cả tiểu đội đã chiến đấu như thí mạng với kẻ thù. Chỉ khi có lệnh rút lui truyền xuống từ trung đội chi viện, anh em mới tháo lui khi đã bắn hết đạn.
0o0
Im ắng quá, thay đổi nhiều quá! Rừng cây hoang dại ngày xưa đã được thay thế bằng những cây ăn trái. Gốc cây hốc đá đều đã có chủ. Núi rừng Ô Tà Sóc không còn vẻ thẳm sâu, u tịch. Rừng thiêng đã mất đi những thân đại thụ, không còn nghe tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng đàn khỉ chí choé cũng không. Những tiếng hoang dã đồng vọng của ngày xưa ấy đâu rồi? Mùi lá cây mục phảng phất ngai ngái làm ông Thất nao long.
Im lặng quá! Ừ, thì chính ông muốn tìm nơi yên tĩnh để nghĩ ngợi kia mà! Chính ông đã âm thầm tách đoàn người tham quan Ô Tà Sóc, lặng lẽ đến nơi này một mình để suy ngẫm câu nói của người phụ nữ kia.
Người phụ nữ chưa đến ba mươi tuổi đã làm chủ hàng chục hecta vườn cây ăn trái và bạt ngàn những bụi tầm vông, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hai Thất nhớ lại lời đối thoại của một người trong đoàn vốn là phóng viên phỏng vấn cô ta:
-Chị còn trẻ làm được nhiều như vậy, chị sẽ tiếp tục đầu tư vào việc gì?
-Tôi sẽ tiếp tục mua đất ở đây!
-Chị mua nhiều đất như vậy để làm gì trong khi nhà chị chỉ có hai ba người?
-Mình không mua, nước ngoài họ vô mua hết!

Văn nghệ TP.HCM.


03/2003