Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Thằng chó đẻ

                           


            Những chuyện phiền phức do nó gây ra nhiều không kể hết. Mười lăm tuổi nó đã bỏ học theo bạn bè đi bụi cả tuần mới về. Bà bắt đánh đòn nó nhiều lần nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy.
            Những chai rượu Tây với đủ loại nhãn hiệu chưng trong tủ buýp-phê để làm cảnh mà lúc sinh thời ba nó rất quí, vậy mà không biết tự bao giờ, các chai rượu ấy chỉ đựng toàn là nước trà, còn rượu thì nó đã trút ra hết đem đi uống với lũ ôn dịch từ đời nảo đời nao. Gần  hai chục chai rượu kiểng gom lại thành môt bữa nhậu của mấy thằng ranh con hỷ mũi chưa sạch, hỏi không tức làm sao được?


            Làm chủ cửa hàng giày dép lớn nhất nhì thị xã, có biết bao  việc cần nó làm giúp, vậy mà nó chưa bao giờ thèm mó tay vào. Bà thử giao cho nó vài công việc nhưng nó chỉ vừa làm vừa chơi, không chút nhiệt tình. Cuối cùng thì nó nghe theo lời bạn bè đi làm nhân viên tiếp tân cho một nhà hàng-khách sạn. Hỏi thì nó nói “Làm ở đó vui hơn, có bạn có bè, không như ở nhà trông coi giày dép, tối ngày mắt cứ nhìn xuống chân người khác”.
           Bà cũng chỉ mong nó chịu làm việc ổn định để khỏi phải giật thót mình mỗi khi có người đến báo hung tin những chuyện mà nó gây ra.
           Hai mươi bảy tuổi, nó vẫn không chịu lấy vợ dù anh chị nó đã giới thiệu nhiều nơi môn đăng hộ đối, để rồi… đùng một cái, nó dắt về nhà một cô gái, giới thiệu với bà rằng chúng nó đã chung sống với nhau. Con bé trông cũng được người nhưng… Trời ơi, hỏi ra  mới biết con nhỏ đã từng làm tiếp viên quán bia ôm và không chừng là… gái điếm vì ả từng ở trại cải tạo ra.
Trong thời gian con nhỏ đi cải tạo, thằng con bà là người duy nhất thường xuyên thăm nuôi.
           Chuyện động trời như vậy dĩ  nhiên bà kịch liệt phản đối. Vậy là nó ở luôn đâu đó cả tuần không thèm về nhà.
           Cuộc họp  gia đình được triệu tập.
            Khi thằng quí tử được gọi về thì cả nhà đã có mặt đông đủ.
             Mọi người nhìn nó với thái độ lạnh nhạt. Không khí thật nặng nề.
             Cuối cùng chị hai nó -vốn là giáo viên cấp III- cũng mở lời rằng gia đình không thể chấp nhận cho nó lấy một người vợ có cái lý lịch không được sạch sẽ như vậy.
             Nó nghếch mặt  hỏi : “Thế nào là sạch sẽ ?”
 Vậy là nổ ra tranh cãi.
Một mình nó đối chọi với tất cả.
 Nó nó rằng quá khứ của người yêu nó là do hoàn cảnh. Rằng chúng nó đã quen nhau năm sáu năm, ngày mà Hạnh -Tên cô gái- còn là cô bé giúp việc trong nhà một người bạn để kiếm tiền gửi về quê nuôi mẹ già ở một xã vùng sâu.
            Chỉ đến khi mẹ cô ta bị bệnh suy thận cấp, phải chuyển lên Sài Gòn, cô ấy mới xin nghỉ việc lên trên ấy bán bia ôm để có đủ tiền chữa bệnh cho mẹ. những ngày này nó cũng vào bệnh viện thăm  vài lần. Hạnh bị bắt trong một đợt truy quét và mẹ cô ta đã phải chết nửa tháng sau đó, do không có tiền mua thuốc và chạy thận lọc máu.
            Chính nó đã tìm đủ cách chứng minh cho Hạnh và bảo lãnh cô ấy ra, rồi giới thiệu vào làm nhân viên phục vụ nhà hàng chung với nó. kết quả là chúng  đã yêu nhau.
             Không khí như trầm lại, mọi người có vẻ đắn đo nghĩ ngợi…
Có một nghề cũ rích cả ngàn năm, thời nào cũng có. Thời nào cũng muốn dẹp bỏ mà chưa ai làm được bởi cái luật cung cầu : Mại dâm.
Nhiều người lên án và cũng có  người cảm thông cho những cánh hoa chìm nổi. Bà Sáu cũng đã từng rơi nước mắt trước thân phận nàng Kiều của cụ Tiên Điền… Nhưng Kiều phải ở đâu xa xa kìa, còn đằng này nó lại rước “Kiều” đem về ở ngay trong nhà thì hỏi làm sao bà có thể chịu đựng được? Danh giá gia đình sẽ bị một tay thằng con này vùi dập. Ôi, một dòng dõi nho gia…
 Không! Không thể như vây được.
Bà Sáu dn mnh chiếc ly xung bàn nghe “cộp” một tiếng khiến nước văng tung tóe, nói rành mạch từng lời:
       -Không - thể - được!
Hít vào một hơi bà nói tiếp:
        -Mày phải dứt khoát với nó, bằng không thì cứ dắt nhau đi đâu thật xa đừng cho tao thấy mặt. Coi như tao không có đứa con như mày. Tao không muốn gia đình này chịu nhục nhã với thiên hạ.
     Nói xong bà thở hắt ra.
Nó buồn rầu đưa mắt cầu cứu sang các anh chị, nhưng tất cả đều lảng đi nơi khác. Nó biết là đã hết hy vọng.
         Ngồi gục đầu một lúc, từ từ móc trong túi áo tờ giấy, nó vuốt lại cho phẳng phiu rồi đặt lên bàn – ngay trước mặt má nó- Rồi đứng dậy thẫn thờ bước xuống thang lầu .Mọi người giương mắt nhìn bản phô tô tờ giấy đăng ký kết hôn đã được chứng nhận trước đó mấy ngày đang dần dần thắm nước ướt sũng trên mặt bàn.Thì ra nó đã chọn sẵn cho mình một con đường.
         Đôi mắt bà Sáu mở trừng trừng nhìn theo dáng thằng con vừa khuất. Từ đôi mắt ấy rịn ra  giọt nước, môi bà run run rồi bỗng bật lên tiếng gào kéo dài đến khản cổ:
   -Thằng   ch…óóó…  đẻ!
   Lần đầu tiên người ta nghe bà chửi.
                                               ---------------oOo---------------
Bà Sáu thò tay bóc củ sâm đất từ chiếc hộp giấy đưa lên ngắm nghía. Củ sâm đã bị mốc meo theo thời gian. Bốn năm rồi còn gì !  Bà không thèm lau chùi để khi nó về sẽ biết rằng bà không hề đụng tới. Không phải vì những củ sâm của nó kém giá trị hơn sâm Triều Tiên của thằng rể thứ tư cho bà, mà vì bà muốn giữ y như vậy  để mọi người biết rằng bà không tha thứ cho nó. Đã không tha thứ , thì quà của nó dĩ nhiên bà không sử dụng.
Những củ sâm đất rẻ tiền ấy được một người quen mang về cho bà bốn năm trước. Người ấy nói rằng tình cờ gặp vợ chồng nó ở Tây Nguyên. Nó gửi về để bà trị bệnh nhức mỏi. Bà cũng muốn hỏi thăm  vợ chồng nó trong hai năm ấy đã làm được những gì  nhưng rồi lại thôi. Trước mặt đứa con gái thứ năm bà không muốn tỏ ra mình quan tâm tới thằng con bất hiếu.
Hừ! Nói đi là đi. Mày lớn gan như vậy thì tao cũng coi như mày đã chết. Nó đã chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng để xây dựng “địa ngục”với con nhỏ đó, bỏ luôn quyền thừa tự và quan trọng hơn- bỏ luôn bà ! Trong lòng nó đã không còn người mẹ này thì gửi mấy thứ đó chỉ làm bà thêm tức mà thôi. Bà nói với người đưa sâm:
-Nhờ ông nói lại với nó giùm, tôi không cần đến sự quan tâm của nó.Tôi đã coi như không có nó trên đời này từ lâu rồi.
Bà quẳng bọc sâm lên đầu tủ, cả năm trời không ngó ngàng tới.
Đã bốn năm rồi . Những củ sâm đã mốc meo theo thời gian. Cũng có nghĩa là vợ chồng nó đã rời bỏ xứ sở sáu năm mà không một lần quay lại. Có lẽ người mang đến cho bà những củ sâm ngày ấy đã cho nó biết thái độ lạnh nhạt của bà, nên từ ấy đến nay nó không còn gởi về cho bà chút quà cáp nào nữa hết, kể cả lời thăm hỏi.
Hôm nọ có người cho bà biết đã từng gặp vợ chồng nó ở Campuchia, thuê nhà mở quán cà phê coi bộ cũng khấm khá. Vợ chồng nó đã có với nhau một đứa con trai.Trước đó mấy năm hai đứa sống rất khổ, chồng làm cửu vạn, vợ mang bụng bầu đội bánh cam đi bán ở biên giới Tây Ninh – Campuchia. Bà nghe mà lòng thấy xót xa lẫn chút hả hê. Cho nó biết cãi lời bà thì nó sẽ khổ như vậy đó! Cá không ăn muối cá ươn mà…
Con nhỏ coi vậy mà cũng giỏi ha ! Đội bánh cam bán ? Có bầu bì mà không biết giữ gìn rủi có bề gì thì sao?
Bà Sáu nhớ lại hình ảnh của Hạnh lúc thằng út Chiến dắt về nhà. Trông thấy vẻ sợ sệt của nó mà  tội nghiệp….Nghĩ cho cùng nó cũng đâu có dễ ghét? Chỉ tại cái nghề… (mà cũng chỉ vì mẹ nó bệnh thôi mà !...Nếu mình bị bệnh như vậy không biết trong đàn con có đứa nào dám hy sinh…!? ).
Những đứa con của bà, ngoài thằng út Chiến ra, đứa nào cũng biết vâng lời, đứa nào cũng do bà dựng vợ gả chồng, bảo ưng là ưng, không một ai dám cãi , chỉ có nó…Có lần bà với nó xem phim “Những người khốn khổ”  trên tivi. Bộ phim dựa  theo tiểu thuyết cùng tên của  văn hào Victor Hugo, bà hỏi nó thích nhân vật nào trong phim nhất? Nó nói thích … thanh tra Jave. Thích ai không thích, lại thích cái thằng cha mặt sắt cuồng tín đó? Nó nói dù Jave bị nhiều người ghét nhưng đó không phải là người xấu, thậm chí trong mắt nó Jave chính là người tốt. Đời này khó gặp.
Bây giờ nhớ lại, nếu lúc đó bà hỏi nó còn thích ai nữa không? Chắc nó sẽ trả lời : PhăngTin.
                                                                          *
Bà Sáu bệnh liệt giường đã năm ngày nay, chắc là không qua khỏi. Bà không thèm ăn uống gì cả, lại không chịu đi bệnh viện. Bác sĩ phải đến tận nhà vô nước biển cho bà. Tiệm giày đóng cửa. Những đứa con thay phiên nhau túc trực quanh giường.
Lúc gần đây bà có vẻ buồn và thường ngồi hàng giờ suy tư nghĩ ngợi. Có lẽ bà buồn từ cái hôm làm lễ mừng thọ thất tuần cho bà xong thì đám con của bà đề nghị bán nhà. Chúng muốn bán bởi chúng cũng giống như bà : xem như thằng Chiến đã chết.
- Ngôi nhà trị giá hàng tỉ , nếu chia ra mỗi đứa cũng được vài trăm triệu, vì thế không đứa nào muốn giữ lại dù đó là nơi chúng sinh ra và lớn lên. Đã năm ngày nay bà nằm thiêm thiếp. Thỉnh thoảng hơi hé đôi mắt mệt mỏi nhìn lên trần nhà rồi lại thở dài và thiếp đi. Không biết ai cho hay mà vợ chồng con cái thằng út Chiến cũng lục tục kéo về. Về đến nhà rồi, lại không dám lên lầu vì anh chị  ngăn cản sợ bà gặp  sẽ bị “sốc”mà “đi” luôn. Nó đành ngồi dưới nhà ngó lên mà lòng thắt thỏm không yên.
   Bà tỉnh lại và hỏi:
-       Nó về chưa
      Chị giúp việc nhanh nhảu:
-       Dạ thưa bà về rồi!
   -   Gọi lên đây !
Đám anh chị nó nín thở nhìn vợ nó bồng đứa con líu ríu theo sau lưng chồng, mặt cúi gầm.
Nó để vợ  đứng đó, một mình tiến lại gần ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh giường, hai tay nắm lấy tay bà khẻ gọi: Má ơi !
Bà hé mắt  nhìn hồi lâu rồi…từ từ ngồi dậy. Nó hốt hoảng đưa tay đở lấy lưng bà sợ hãi.
Đưa mắt nhìn sang vợ nó và đứa cháu nội bà khẻ gật gù rồi quay sang nó, mếu máo bật lên câu chửi:
Thằng chó đẻ…sao hai đứa bây không đi luôn đi !
Rồi ôm chầm lấy nó khóc nấc lên như đứa trẻ thơ.
Thì ra bà chưa hề bị bệnh.

                                                                                                          tạp chí Văn 2005